Thứ Ba, 20 tháng 12, 2016

Hãy nhìn qua lăng kính của bé, để hiểu con hơn

Chúng ta vẫn thường nghĩ con trẻ vô tư như những tờ giấy trắng và tương lai của con sẽ được định hình từ những nét bút do ta quyết định. Nhưng thực tế và khoa học cũng đã chứng minh một điều ngược lại, dù có trong trẻo và vô tư, nhưng con trẻ không vô tư như ta vẫn vội kết luận. Hãy trở thành những người đồng hành của bé yêu để cùng bé khám phá thế giới của mình thông qua lăng kính của bé

Hãy khám phá những góc nhìn mới lạ mà chỉ có con trẻ mới có thể thấy.

Điều mẹ vẫn chưa thấy


Khi vừa thấy bé Bi lấy bút chì màu xanh để tô bông hoa, chị M liền ngăn lại và nói: "Con tô sai rồi, bông hoa phải màu hồng chứ. Đây, màu hồng đây, con tô chỗ này cho mẹ đi". Không chỉ riêng chị M, một nghiên cứu cho thấy các bậc cha mẹ Việt Nam thường thích trẻ vâng lời, thích áp đặt hơn là để con trẻ tự do thể hiện ý thích của mình. 

Thực tế đó xuất phát từ một quan niệm cho rằng, trẻ con thì vẫn chưa nhận thức đầy đủ về thế giới quan bên ngoài, thật ra quan niệm này đã được khoa học chứng minh là không đúng đắn.


Trẻ con có phải luôn như tờ giấy trắng?

Một nhà nghiên cứu về trẻ nhỏ cho biết: "Thật ra, con trẻ tuy vô tư nhưng vẫn luôn có một thế giới của riêng mình chứ không như các bậc cha mẹ luôn nghĩ. Nếu sớm được khơi nguồn và nuôi dưỡng để phát triển ước mơ, trẻ dễ lớn khôn, tự lập hơn và vẫn giữ được liên kết chặt chẽ với gia đình hơn".

Trẻ con luôn thắc mắc và có thể tạo dựng nên một thế giới phủ đầy màu sắc thần tiên quanh thế giới quan của chúng.

Đôi khi dưới mắt bạn trái đất hình tròn, nhưng với con, trái đất lại hình vuông... Tất cả xuất phát từ sự quan sát và óc tưởng tượng còn non nớt của con trẻ mà ra cả. Hoặc giả, mỗi bữa ăn với trẻ không thực sự chỉ là một bữa ăn bình thường. Đó có thể là một cuộc phiêu lưu vào thế giới muôn loài.

Thật vậy, giai đoạn sau 3 tuổi, trẻ bắt đầu hình thành chú ý có chủ định. Nghĩa là các bé bắt đầu biết quan sát tập trung vào 1 hay nhiều đối tượng, sự vật và hình thành nhận định của riêng mình. Bé bắt đầu tiếp thu thông tin hình ảnh mình nhìn thấy được, hình thành khái niệm ban đầu về nó và diễn giải theo cách của riêng mình. Và trẻ cần có một người bạn đồng hành để cùng chia sẻ. Hệt như việc ta cần có một người lắng nghe vậy.

Hiểu để cùng con chinh phục khát khao


Chia sẻ và lắng nghe con để hiểu con nhiều hơn

Giáo sư Édouard Claparède đã từng khiến cho rất nhiều bậc phụ huynh phải nhìn lại cách nuôi dạy con rằng “Đừng coi như một người lớn thu nhỏ lại hoặc thiếu thông minh”. Quả thật, đừng vội gạt bỏ và áp đặt góc nhìn chủ quan lên bé yêu của bạn, thay vào đó là thật nhiệu sự kiên nhẫn, lắng nghe và cùng con nhìn nhân sinh quan của bé bằng chính lăng kính ngây thơ ấy của con. Với tâm lý “cá không ăn muối cá ươn” thành ra các bậc cha mẹ đôi lúc tự hào mình là người có hiểu biết về việc dạy trẻ, về tâm lý trẻ nhưng thực ra không phải như vậy. Chúng ta chưa thực sự hiểu con, chưa thực sự quan tâm đầy đủ đến con, chưa thực sự săn sóc sự học của con, có dù lòng yêu thương con thì không có ngôn từ nào diễn tả hết. Bạn đã từng thắc mắc sao gần đây không thấy con hỏi mình về những điều xung quanh cuộc sống? Hay chỉ biết lặng im khi nhận được câu trả lời rất thật từ con mình. Rằng con hỏi chị, hỏi cô và con không dám hỏi ba vì ba hay la con. Các bậc phụ huynh hãy nhớ rằng điều đầu tiên và rất quan trọng trong việc quan tâm đến con là phải hiểu con. Hay như câu chuyện của bố Nguyễn Văn Hoài khi bé bộc lộ sự yêu thích với loài cá và mong muốn trở thành loài sinh vật này. “Có lần con bảo, con thích làm con cá được tung tăng bơi dưới nước. Ba đã giảng cho con rằng, làm con người mới là điều đáng quý nhất. Sau này nghĩ lại, chắc là ba chưa hiểu hết con, vì có thể con muốn được tự do thả mình trong nước, không phải câu nệ chuyện giờ giấc, đi lại… Ba quên mất rằng con là một đứa trẻ nên hay đòi hỏi con phải suy nghĩ theo cách của người lớn.” Như vậy đó, chúng ta đang dẵn dắt con mình đi theo hướng mà mỗi chúng ta mong muốn mà quên đi đâu là bản sắc và là cá tính của bé yêu nhà mình. Hãy là một người bạn biết lắng nghe và là một người quan sát tinh tường bằng lăng kính riêng của con mình để giúp con khám phát trọn vẹn hơn thế giới xung quanh. Và dĩ nhiên rằng, đồng hành chung với các bậc phụ huynh sẽ còn rất nhiều những học thuyết khoa học hỗ trợ chúng ta trên hành trình giúp con vẽ nên ước mơ đầu đời của bé.




Câu chuyện Thế giới trong con nói lên những điều khác biệt trong thế giới của con

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét